UBND thành phố Hà Nội vừa quy định về việc cấm quảng cáo ngoài trời hàng loạt khu vực như: Quảng trường Ba Đình, Hồ Hoàn Kiếm và khu vực bao quanh hồ, khu vực phố cổ… Quyết định này liệu có giải quyết được tình trạng bát nháo của quảng cáo lâu nay.
Mục lục bài viết
1. Siết quảng cáo tấm lớn ở khu vực nhạy cảm
Để lập lại kỷ cương trong hoạt động quảng cáo, nhất là quảng cáo ngoài trời, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành “Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời” và có hiệu lực kể từ ngày 31/1.
Quy chế đưa ra hàng loạt quy định cụ thể các khu vực không được quảng cáo, khu vực hạn chế và hình thức, phương tiện quảng cáo. Theo đó các khu vực không được quảng cáo gồm: Quảng trường Ba Đình; Hồ Hoàn Kiếm và khu vực bao quanh hồ; khu vực phố cổ; di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; trụ sở của cơ quan Đảng , nhà nước các cấp, tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, doanh trại quân đội, trụ sở công an, đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, Quy chế trên vẫn tạo điều kiện cho các nhà tài trợ một số hoạt động được quảng cáo ở một số khu vực trên nhưng được đặt trong khuôn khổ hoạt động sự kiện được cấp có thẩm quyền cho phép.
Hà Nội cũng đưa ra các khu vực hạn chế quảng cáo như khu vực Quảng trường 19/8; Quảng trường 1/5; Trung tâm Hội nghị Quốc gia… Trên mặt các hồ nước của thành phố được quảng cáo cho các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. Trên thân các cột đèn chiếu sáng đô thị được thực hiện băng rôn dọc theo quy định.
Quy chế cũng quy định cụ thể về các hình thức, phương tiện quảng cáo ngoài trời như: Kích thước băng rôn: Rộng 0,75 m và dài 2,5m; nội dung tuyên truyền phải dễ hiểu, ngắn gọn, súc tích; bảng quảng cáo lắp đặt tại mặt tiền các công trình, nhà ở riêng lẻ thì mỗi tầng chỉ được đặt một bảng quảng cáo ngang, chiều cao tối đa 2m, chiều ngang không được vượt quá giới hạn chiều ngang mặt tiền công trình, bảng quảng cáo dọc có chiều ngang tối đa 1m, chiều cao tối đa 4m; phía ngoài trạm ATM chỉ được quảng cáo tên gọi, tên viết tắt, nhãn hiệu của ngân hàng là chủ sở hữu máy…
Biển hiệu đặt ở cổng hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân chỉ được làm 1 biển hiệu ngang hoặc biển hiệu dọc, bảo đảm mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội.
2. Liệu có dẹp nổi tình trạng “bát nháo”?
Đại diện Sở Văn hóa – thể thao cho rằng, Hà Nội là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện lớn, nên hoạt động quảng cáo luôn sôi động với nhiều loại hình. Mặt khác, do nguồn lợi từ quảng cáo lớn, nên các doanh nghiệp bất chấp quy định để phạm luật với nhiều hình thức. “Những vi phạm về quảng cáo sẽ còn gia tăng nếu không sớm cho ra đời quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Việc thành phố ban hành về Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời sẽ hạn chế được tình trạng vi phạm trong hoạt động này và từng bước đưa hoạt động quản lý quản cáo ngoài trời vào quỹ đạo”, vị cán bộ cho biết.
Các cấp chính quyền sẽ siết chặt hơn việc lắp đặt biển quảng cáo ngoài trời
Bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng Ban Văn hóa – xã hội của HĐND thành phố Hà Nội cho biết, lâu nay các cơ quan chức năng thành phố đang “đánh vật” với tình trạng vi phạm tràn lan của hoạt động quảng cáo ngoài trời. Theo đánh giá trong 3 năm qua có tới 80% biển quảng cáo không đúng quy định được dỡ bỏ.
“Dù công tác quản lý biển quảng cáo tấm lớn tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn hạn chế, vi phạm cũ chưa được giải quyết dứt điểm, vi phạm mới tiếp tục phát sinh, có nơi tái vi phạm”, bà Thùy nói.
Theo bà Thùy, việc thành phố ban hành quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời là điều được mong chờ lâu nay. Tuy nhiên, để lập lại trật tự hoạt động quảng cáo thì còn nhiều việc phải làm. “Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là năng lực quản lý của một số cán bộ công chức được giao nhiệm vụ quản lý công tác quảng cáo từ thành phố đến cấp huyện chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, công tác quản lý quảng cáo tấm lớn giữa các sở ngành ở Hà Nội còn chồng chéo, không rõ trách nhiệm”, bà Thùy phân tích.
Nguồn: Báo Tiền Phong