Truyền thông là phương tiện quảng bá hữu hiệu cho doanh nghiệp (DN) nhưng truyền thông không đúng hoặc không phù hợp sẽ tác động không ít đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Trong năm 2015, các phương tiện truyền thông đại chúng đưa thông tin nhiều nông dân và thương lái bán trái cây ở miền Đông Nam bộ và Đắk Lắk sử dụng hóa chất Ethephon để thúc chín các loại hoa quả như chuối, mít, đu đủ, sầu riêng… và cho rằng chất này chỉ được dùng để kích thích cây cao su cho nhiều mủ và độc hại với người sử dụng. Thông tin này đã ảnh hưởng không ít đến nông dân và các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đây là những thông tin sai lệch. Từ lâu, thế giới đã công nhận Ethephon là chất được sử dụng trong ngành trồng trọt và cả trong quá trình thu hoạch để kích thích sự chín đều và đồng loạt của các loại quả. Các chất độc hại đối với con người đến từ các nguyên nhân khác như dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa chất vô cơ…
Truyền thông cho doanh nghiệp là một phương tiện vô cùng quan trọng
Theo các nhà khoa học, việc người dân sử dụng Ethephon theo tỷ lệ cho phép để kích thích trái cây chín đều, chín nhanh hoàn toàn không gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì khi gặp nước, Ethephon chuyển thành Etylen – một hormon thực vật giữ vai trò chính trong quá trình chín của hoa quả và nông sản nên khi phun hoặc nhúng trái cây vào không ảnh hưởng đến người dùng. Chất này cũng sẽ bị loại bỏ hoàn toàn bằng cách dùng nước rửa sạch.
Ông Nguyễn Lâm Viên – TGĐ Công ty CP Vinamit cho biết, nhiều năm qua, xuất khẩu nông sản chế biến của Việt Nam rất phát triển. Thế nhưng, chính những thông tin sai lệch như vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến DN và cả nông dân.
Năm vừa qua, khi các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa thông tin cảnh báo về nông sản nhúng hóa chất thì người tiêu dùng ở thị trường Bắc Mỹ, châu Á, kể cả Trung Quốc, bắt đầu dè dặt với sản phẩm đến từ Việt Nam.
Các nhà nhập khẩu nước ngoài cũng đồng loạt “siết đầu vào” đối với hàng Việt Nam. Ngay sau khi truyền thông Việt Nam đưa tin, ngay lập tức các nhà nhập khẩu đưa nông sản xuất khẩu của Việt Nam đi kiểm định chất lượng và khi phát hiện một số sản phẩm có “vấn đề” thì các nhà nhập khẩu đã đưa hàng Việt Nam vào nhóm “cần xét nghiệm dư lượng” như với hàng hóa Trung Quốc. Việc này khiến kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam (gạo, khoai, trái cây…) giảm mạnh.
Cũng theo ông Viên, trong các loại nông sản xuất khẩu, bị ảnh hưởng nặng nhất từ những thông tin truyền thông không đúng là khoai lang và khoai môn. Đang ở mức giá từ 20.000 – 30.000 đ/kg, thông tin này đã khiến giá khoai lang, khoai môn tuột dốc không phanh, khoai môn giảm còn 4.000 đ/kg, khoai lang giảm còn 1.000 đ/kg. Nhằm “giải cứu” ngành này, Vinamit đã bỏ ra một số tiền lớn để thu mua khoai của nông dân nhưng làm không xuể.
Nếu truyền thông không đúng cách, nó sẽ gây hại không nhỏ cho doanh nghiệp
Từ sau những thông tin này, DN Việt Nam rất khó xuất khẩu trực tiếp với giá tốt, đành phải chọn cách “quá cảnh” sang Đài Loan, Thái Lan để lấy chứng nhận xuất xứ từ những nước này. “Tại hội chợ ở Chicago (Mỹ) hồi tháng 11/2015, các nhà nhập khẩu khuyên tôi tốt nhất nên bán hàng qua một nước khác rồi mới bán cho họ để người tiêu dùng cảm thấy yên tâm hơn. Còn nếu ghi nguồn gốc của sản phẩm là Việt Nam thì phải bán rẻ hơn nhiều so với khu vực”, ông Viên chia sẻ.
Cũng bị ảnh hưởng không nhỏ từ việc truyền thông không đúng sự thật là các DN ở TP.HCM. Hồi cuối tháng 7/2015, hàng loạt DN bị nêu tên trên các báo về việc nợ thuế hàng chục tỷ đồng. Những thông tin như vậy nhanh chóng lan truyền trên mạng làm tổn hại uy tín của DN, làm xấu đi hình ảnh DN trong mắt đối tác trong và ngoài nước của họ và có thể khiến họ mất đi những hợp đồng giá trị trong thời buổi cạnh tranh, khó khăn.
Cũng sự “làm quá” của truyền thông khiến nhiễu loạn thông tin là vụ vắc-xin 5 trong 1 mới đây. Sự “nhanh nhạy” của truyền thông đã khiến nhiều phụ huynh phải cùng con xếp hàng trong đêm Đông giá rét chỉ để mong có được một suất tiêm vắc-xin cho con. Lại có người đã phải tốn cả tiền máy bay chỉ để có mũi vắc-xin dịch vụ này trong khi không nhất thiết phải “rồng rắn” chờ đợi như thế khi đã có loại vắc-xin thay thế.
Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn